Ngày sách và Văn hoá Đọc Việt Nam
Sách đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta. Sách là nguồn tri thức vô biên, sách dạy cho chúng ta biết cách sống, biết hy sinh. Sách còn là người bạn chia sẻ niềm vui nỗi buồn của mỗi con người. Vì vậy, sách được ví như chiếc chìa khoá vạn năng mở cửa lâu đài tri thức và tâm hồn con người.
Đọc sách đã trở thành nhu cầu cần thiết của loài người trên toàn thế giới, vì vậy, tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris ngày 25/10 – 16/11/1995, UNESCO (tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định lấy ngày 23/4 hàng năm làm ngày “Ngày sách và bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day).
Vì sao mà Đại Hội đồng Liên hợp quốc và UNESCO lại chọn ngày 23/4 làm ngày “Ngày sách và bản quyền thế giới”? Nó được bắt nguồn từ ngày lễ Thánh Goerge, một phong tục truyền thống của Tây Ban Nha. Hàng năm tại đây có nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức và mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách. Đồng thời, cũng là ngày qua đời của ba đại văn hào thế giới Cervantes, Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega và cũng là ngày sinh hoặc ngày giỗ của các tác giả nổi tiếng khác Maurice Druon, Klaxness, Vladimir Nabokov, Josep Pla and Manuel Mejia Vallejo.
Từ đó, ngày 23/4 hàng năm, các quốc gia tổ chức ngày hội “Ngày sách và bản quyền thế giới” để mọi người khám phá và thoả mãn sở thích đọc sách và là dịp để tôn vinh sách và những người sáng tạo ra những tác phẩm bất hủ, những người đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển văn hoá, văn minh nhân loại. Đồng thời, là dịp thể hiện sự hợp tác, hợp lực giữa các tác giả, các nhà xuất bản, trường học, các thư viện, các cơ quan Nhà nước, các công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức lễ kỷ niệm về sách và các tác giả.
Với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách báo và tri thức trong đời sống, sự kiện ngày đọc sách thế giởi ở Việt Nam đang trở thành một nét sinh hoạt văn hoá, văn minh của những người yêu thích sách báo cần được duy trì và quảng bá rộng hơn trong xã hội và rất cần sự hỗ trợ, quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng để văn hoá đọc luôn là nhu cầu không thể thiếu của công dân văn minh trong thời đại ngày nay. Chính vì vậy, năm 2014, Thủ tướng chính phủ quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày sách Việt Nam” nhằm đẩy mạnh phong trào đọc sách trong toàn dân và giữ gìn văn hoá đọc.
Đến năm 2021, “Ngày sách Việt Nam” được đổi tên là “Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam”.
Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam được tổ chức nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, các tổ chức góp phần xây dựng xã hội học tập.
Tuy nhiên, gần đây văn hoá đọc đang dần thay đổi, việc đọc sách giấy dần chuyển sang đọc sách online.
Để góp phần văn hoá đọc hội nhập với cách mạng khoa học 4.0, Nhà trường đã số hoá tài liệu, liên kết nguồn tài liệu của Trung tâm Số, đặc biệt, năm 2021 Nhà trường đã mua cơ sở dữ liệu điện tử dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam (chuyên sâu khối ngành kinh tế, kinh doanh và quản lý, các cơ sở dữ liệu nổi tiếng nước ngoài (cơ sở dữ liệu tạp chí điện tử của nhà xuất SAGE Pupliccations Limited và Emerald Puplishing Limited) và Emerald Puplishing Limited) và bộ cơ sở dữ liệu Tài chính – Kinh tế - Vĩ mô do trường Đại học Kinh tế Quốc dân làm đầu mối.
Mời quý Thầy/cô và các em sinh viên truy cập vào Thư viện điện tử hoặc đến Phòng 104-GK2 Thư viện của Nhà trường để tham khảo tài liệu.
Cần hỗ trợ vui lòng liên hệ điện thoại 0978130296, facebook - zalo Van Luong
Danh sách file đính kèm:
Thứ sáu, 15/04/2022 09:26:06